Kết cục của trận chiến Trận_Agincourt

Trên trận địa lấm bùn ở Agincourt vào ngày 25 tháng 10 năm 1415,...., Henry V tỏ ra rất quả cảm và may mắn - đó không phải là một sự kết hợp tệ hại.
— Tác giả Joseph Cummins, trong cuốn History's Greatest Hits [14]

Đại thắng tại trận Agincourt - là một biểu hiện của binh thế nước Anh và cũng nằm trong số những trận đánh vinh quang nhất của cung thủ thời Trung Cổ[14][22] - cho thấy cung dài đóng vai trò hệ trọng cho các cuộc chinh chiến của Nhà nước phong kiến Anh từ thế kỷ thứ XIII cho tới thế kỷ thứ XVI. Không những đóng góp lớn cho trận thắng ở Agincourt nói riêng và các chiến thắng khác của quân lực Anh trong cuộc Chiến tranh Trăm Năm nói chung, cung dài khiến nước Anh vươn lên thành liệt cường quân sự hùng hậu nhất của châu Âu trong đêm trường Trung Cổ, vượt hẳn nước Pháp, và qua đó chiến công ở Agincourt trở thành đại thắng cuối cùng của quân Anh dùng cung dài trên đất Pháp.[17][31] Thực chất, nhiều người cho rằng sau năm 1415, cái ngày vĩ đại nhất của cung dài đã mãi mãi đi vào quá khứ.[22] Bản thân nhà vua Henry V cũng phải rất ấn tượng với chiến tích của các cung thủ Anh ở trận này - là minh chứng cho sự chuẩn mực của các chiến thuật của Anh thuở ấy, và cũng là dấu ấn cho sự bất khả chiến bại của các cung thủ Anh thời phong kiến.[4][37][38] Ngoài cung thủ, thắng lợi vang dội này cũng được xem là nhờ có quân Bộ binh Anh.[43] Do không có nguồn sử đáng tin cậy nên không biết chính xác số thương vong của hai bên là bao nhiêu. Tuy nhiên chắc chắn là dù quân Anh bị áp đảo về số lương nhưng thương vong của họ ít hơn hẳn quân Pháp, sau cuộc chiến đấu cam go mà thắng lợi oanh liệt của các dũng binh Anh[36]. Nguồn từ Pháp cho rằng có 4.000 đến 10.000 quân Pháp tử trận, cùng 1.600 quân Anh. Tỉ lệ thấp nhất mà họ đưa ra là quân Pháp tử trận nhiều hơn quân Anh sáu lần. Nguồn từ Anh nói có khoảng từ 1.500 đến 11.000 quân Pháp tử trận, còn số chết của quân Anh không quá 100 chiến sĩ.[98] Theo sách Western Civilization: Alternate Volume: Since 1300 của tác giả Jackson J. Spielvogel, 6 nghìn quân Pháp trận vong trong thảm họa này, trong đó có cả 1.500 quý tộc tử trận trong đợt giáp chiến lấm bùn.[10] Theo cuốn World Military Leaders của Mark Grossman, số tử trận chiếm nhiều nhất trong tổn thất của quân Pháp.[4]

Barker cho rằng có ít nhất 112 quân Anh đã tử trận, nhưng không tính tới số bị thương.[99] Một ước tính được dùng rộng rãi đã tính rằng tổn thất của quân Anh là 450, ít hơn nhiều so với vài ngàn của Pháp. Sử dụng các con số ước tính thấp nhất của Pháp thì tỉ lệ tổn thất của Pháp so với Anh có thể lên tới 9 trên 1, hoặc 10 trên 1 nếu xét cả những tù nhân. Trong số những người Pháp bị giết có ba công tước, ít nhất tám bá tước, một tử tước và một tổng Giám mục, cùng nhiều nhà quý tộc và cả Nguyên soái.[100] Juliet Barker nói rằng những mất mát này đã làm tầng lớp lãnh đạo của Pháp ở Artois, Ponthieu, Normandie, và Picardie thiệt hại đáng kể.[101] Một cuốn sách kể rằng có bảy vương hầu Pháp bị tiêu diệt trong đại thảm họa này.[17][23] Số lượng tù binh người Pháp bị bắt giữ khoảng từ 700 đến 2.200 và đều là các quý tộc, trong số đó có cả Thống chế Boucicault nổi tiếng là một anh hùng hào hiệp của nước Pháp.[19][102] Sau khi bị giải về Anh Quốc, Boucicault qua đời vào năm 1421.[4] Điều này thể hiện sự vỡ mộng hoàn toàn của tinh thần Hiệp sĩ hào hoa ở nước Pháp thuở ấy.[34] Theo tác giả Henry White trong một cuốn sử nước Anh, quân Anh quá lắm là thiệt hại 1.600 binh sĩ.[23] Trong mất mát của Quân đội Anh chỉ có hai nhà quý tộc là Edward, Quận công xứ York và Michael, Bá tước xứ Suffolk.[19] Thực chất, York không bị địch giết mà ông chết do ngã ngựa trong trận giáp binh[35]. Một số lượng chiến sĩ đánh bộ cùng khoảng vài trăm cung thủ Anh đã hy sinh trong trận đánh vang danh này.[19] Tổn thất của họ thì nhỏ tẹo, mà chiến thắng của họ thì lại to tát.[30] Nếu như trận thắng lớn của quân Anh ở Crécy (1346) đã đánh mốc suy yếu của tầng lớp Hiệp sĩ thời phong kiến, thì đại thắng ở trận Agincourt đã đặt tầng lớp này đến bước đường cùng.[34] Trận Agincourt cũng được xem là một trong những cuộc giáp chiến "một chiều" nhất trong lịch sử nhân loại, với mấy lần tấn công của quân Pháp liên tiếp bị đập tan mà quân Anh chỉ chịu tổn hại nhẹ nhàng.[15]

Và, kể từ sau chiến bại thảm hại của quân Pháp - được coi là một thắng lợi của tinh thần kỷ cương và tài năng của người Anh trước lòng dũng cảm mà vô phép của người Pháp,[15] các Hiệp sĩ sẽ không bao giờ đóng vai trò chủ đạo trong quân đội các quốc gia Tây Âu nữa.[34] Địa hình được xem là nhân tố quyết định dẫn đến chiến thắng to tát của lực lượng Quân đội Anh trong trận chiến này. Bãi chiến địa của trận này rất hẹp hòi, toàn là đất mới cày, lại bị bao phủ bởi rừng rú rậm rạp, do đó thuận lợi cho các chiến binh Anh.[31] Ngoài ra, yếu tố quan trọng đối với cho chiến thắng chính là nỗ lực chuẩn bị chu đáo và rất đáng nể của Quốc vương Henry V trước khi ông mang quân đi đánh nước Pháp.[19] Dẫu cho trước đó cung thủ Anh đã hủy diệt tầng lớp quý tộc Pháp trong trận Crécy, quân Pháp vẫn không biết rút ra bài học nào mà vẫn cố tình tung Hiệp sĩ vào trận này - mang lại chiến thắng trứ danh cho đoàn quân của Henry V hạ nốc ao quân Kỵ binh Pháp.[28][34] Bản thân Hiệp sĩ Pháp tỏ ra rất kém kỷ cương, tạo điều kiện cho quân Anh thắng lớn.[38] Nguyên soái D'Albret và Thống chế Boucicault tuy không muốn giáp mặt với đại quân Anh, nhưng những người lính Pháp háo thắng đã không thèm nghe theo họ và chuốc lấy đại thảm bại.[29] Việc ông ban lệnh cho các cung thủ Anh cắm cọc cũng cho thấy đầu óc sáng tạo của ông trong trận này, đem lại cho ông niềm vinh quang chiến thắng.[14] Và, cho dầu vở kịch Henry V của Shakespeare có nhiều tình tiết hư cấu, nó đã nêu lên được một nhân tố quan trọng cho đại thắng: đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà vua và toàn quân, đó là tài nghệ của ông trong việc khơi dậy chí khí quyết đấu của các binh sĩ.[14] Có người cho rằng vua Henry V thực sự giống với danh tướng Oliver Cromwell hơn là vị vua - anh hùng trong vở Henry V của Shakespeare, do ông đã coi quân tướng của ông là "những chiến binh của Thiên Chúa".[16] Đối với người Anh, một "Phép lạ" mà Thiên Chúa ban cho họ trong trận đánh cũng chính là tổn thất vô cùng ít ỏi của họ.[35]

Độc giả của Henry V (vở kịch của Shakespeare) không thể bị đổ lỗi vì đã nhìn nhận rằng chiến thắng tại Agincourt đã khiến cho Henry thâu tóm được cả Vương quốc Pháp. Trên thực tế, trận Agincourt không hề là một kiểu chinh phạt gì cả. Tuy nhiên, nó khiến cho các cuộc chinh phạt về sau được thuận lợi hơn.
— Peter Saccio[35]

Nhưng mà, do ông có ít quân hơn nhiều mà lại đại phá được quân thù, trận thắng to tại Agincourt đã khiến cho người đương thời rất bất ngờ. Họ nghĩ rằng ông đã thuận theo ý Đức Thiên Chúa, do đó Người đã ban cho ông thắng lợi vang dội này (Giám mục Beaufort ở Anh Quốc coi đại thắng này là "ân điển" kế tiếp của Chúa Trời cho người Anh sau các trận Sluys, Crécy và Poitiers[29]).[19] Mặc dù trận Agincourt là một chiến thắng quân sự lớn, có ý nghĩa quyết định và hoàn mỹ đối với quân Anh, những ảnh hưởng của nó khá phức tạp. Nó không dẫn tới những cuộc chinh phạt ngay lập tức sau đó của người Anh. Henry V trở về nước Anh vào ngày 16 tháng 11 với vinh quang,[12][103] và trong mắt các thần dân và các nước châu Âu ngoại trừ Pháp, ông được xem là một anh hùng được Chúa ban ơn. Thần dân chốn kinh kỳ Luân Đôn đã tổ chức lễ ăn mừng chiến thắng của Quốc vương, trong đó họ ví von ông như những vị anh hùng trong Kinh Thánh.[2] Chiến thắng - là tuyệt đỉnh của cuộc chinh chiến trên đất Pháp của ông[19] - cũng giúp ông nhận được sự ủng hộ của triều đình để tiếp tục chiến tranh với Pháp.[104] Triều đình cũng trợ cấp lông cừu dùng cả đời cho vua - lần duy nhất trong lịch sử kể từ sau đời vua Richard II hồi năm 1398 và chứng tỏ niềm tin tuyệt đối của đình thần vào thành công của vua.[29] Chiến thắng vĩ đại này, cùng với các trận thắng to tại CrécyPoitiers hồi thế kỷ trước, đã gia tăng uy thế của các vị vua nước Anh trong cuộc Chiến tranh Trăm Năm, và được coi là thắng lợi lớn nhất của dân tộc Anh trước ngoại bang cho đến trận phá hạm đội Tây Ban Nha.[25][40] Thậm chí, không những gắn liền với đội cung thủ hơn cả mà trận Agincourt cũng nổi tiếng hơn hai thắng lợi kia trong nền quân sử nước Anh.[22] Nhà nước phong kiến Anh với chiến thắng này đã đóng góp thêm một trang sử vàng son cho nền lịch sử quân sự thế giới như một trong những chiến thắng uy chấn nhất mà sử sách đã ghi lại từ cổ chí kim.[31][35] Henry V với đại thắng ở trận Agincourt đã đi vào lịch sử nước Anh như một trong những vị vua - chiến binh vĩ đại nhất thời kỳ Trung Cổ, đã hoàn toàn "giết tươi cái vinh hiển của Hiệp sĩ Pháp".[3][31] Sau chiến thắng vĩ đại ấy, có vẻ như ông đã trở thành một vị vua bất khả chiến bại.[28] Thực ra, toàn thắng này chính là chiến công đầu tiên của ông vua cầm binh ấy[18]. Một thị dân Paris nặc danh phải ghi nhận: "Từ khi Thiên Chúa sinh ra đến nay, chưa từng một người nào, dù có là người Saracen hay bất kỳ ai khác, đã tàn phá nước Pháp đến mức độ này".[42] Trong khi người Pháp thì đau khổ, người Anh hân hoan với chiến thắng, và Triều đình Anh đã khích lệ nhà vua Henry V tiếp tục tiến công nước Pháp.[35] Với một nước Anh đang sẵn sàng tiếp tục đánh Pháp để mà phát huy thắng lợi, ông trở thành một vị anh hùng dân tộc.[63] Không những được nhân dân Anh kính yếu, ông trở thành một Bá vương của châu Âu[30] và liền ký kết ngay một Liên minh với Hoàng đế La Mã Thần thánhSigismund.[4] Trên đà thắng lợi, thế lực của ông tại Pháp không hề thua kém tại Anh.[32] Sau trận chiến, hòa ước giữa hai phái Armagnac và Burgundy trong triều đình Pháp đã bị phá vỡ. Phái Armagnac chính là những người chủ đạo bên phía Pháp trong trận Agincourt, qua đó họ phải gánh chịu nhiều tổn thất về nhân lực và uy tín sau thất bại này, thậm chí được coi là kẻ thất bại nặng nhất trong thảm hoạ ấy. Vị Quận công xứ Burgundy nhờ đó gia tăng uy thế đáng kể, và phái Burgundy nhân cơ hội đánh chiếm kinh đô Paris.[1][37][105] Triều đình Pháp sau thảm hoạ Agincourt chỉ còn có thể trông chờ vào một "Phép lạ" để mà khôi phục giang sơn.[15] Sự bất hòa ở Pháp giúp Henry V có 18 tháng chuẩn bị cho các chiến dịch tiếp theo. Sau đại thắng ở Agincourt,[16] mất thêm vài năm nữa nhưng rồi ông đã đạt được những gì mình đề ra. Trong thời gian đó, ông đã chinh phạt được vùng Normandie, mà thực chất chính chiến thắng trong trận Agincourt đã tạo tiền đề về tài chính và lòng yêu nước cho thắng lợi này[31][35]. Qua đó, đại thắng tại Agincourt được xem là khởi điểm cho sự thống trị của Quân đội Anh trên đất Pháp trong vòng 30 năm tới[4]. Ngoài ra, chiến công lớn của Henry V phá Pháp ở đây, với giá trị to lớn về tinh thần và chiến lược, đã tạo điều kiện cho quyền uy của nhà Lancaster được củng cố.[45][46] Những chiến thắng khi ấy của ông - kế tiếp đại thắng Agincourt[32] - đã đưa tới Hiệp ước Troyes. Theo hiệp ước này, Henry V sẽ cưới con gái của vua Charles VI của Pháp là Catherine, và rồi đứa con sinh ra từ cuộc hôn nhân này sẽ cai trị cả nước Anh và Pháp. Sau đó, Henry chính thức tiến vào Paris và Hiệp ước này được phê chuẩn bởi Hội nghị ba đẳng cấp của Pháp. Đó là đỉnh cao của người Anh trong Chiến tranh Trăm Năm. Chỉ sau một chiến dịch nhanh gọn, Henry V đã đạt được mục tiêu của ông.[2] Không may, đúng lúc ấy ông bệnh mất vào năm 1422 - bảy tuần trước khi Charles VI qua đời.[14] Có một sự thật là, ông không hoàn toàn tham mê cái ngôi vua nước Pháp. Vào năm 1418, ông đã có ý định chấm dứt kế hoạch này.[22]

Và, nếu như đương thời thắng lợi vẻ vang của ông trong trận Agincourt cho người Anh thấy tầm quan trọng cao của chiến dịch phạt Pháp,[27] thì trong suốt chiều dài lịch sử nước Anh, chiến thắng rực rỡ này của ông luôn là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng,[22] đề tài để chính quyền Anh thôi thúc các chiến sĩ chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, như trong trận thủy chiến đập tan nát cuộc xâm phạm của hạm đội Tây Ban Nha vào năm 1588 và trận không chiến đánh bại Không quân Đức trên bầu trời nước Anh vào năm 1940[14]. Cũng như chiến thắng tại Crécy và trận diệt thủy quân Tây Ban Nha nêu trên, trận thắng ở Agincourt góp phần không nhỏ cho niềm tự hào dân tộc Anh.[21] Đó được coi là một chiến thắng mỹ mãn đặc trưng theo kiểu Anh, qua việc nhà vua "lấy ít thắng nhiều".[41] Thậm chí, chiến công này còn được xem là một trận "lấy ít thắng nhiều" hiển hách nhất trong lịch sử Anh, trong khi là một trong những đại thảm họa của Pháp trong mối thù truyền kiếp với Anh.[42][44] Trong tập 2 của bộ England: A Historical Poem (1834 - 1835), nhà thơ Anh là John Walker Ord đã ca ngợi Arthur Wellesley, Công tước thứ nhất của Wellington - người hùng nước Anh khi đó - vì đã củng cố vinh quang quân sự của người Anh vốn mở đầu với các trận Crécy và Agincourt trên đất Pháp.[106] Và, các nhà sử học vẫn không ngừng khảo cứu về trận thắng quan trọng trong lịch sử nước Anh nói riêng và trong lịch sử châu Âu nói chung này.[4]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Agincourt http://www.azincourt-medieval.com/ http://www.britannica.com/EBchecked/topic/9159 http://www.familychronicle.com/agincort.htm http://www.familychronicle.com/fc-faq3.html http://www.militaryhistoryonline.com http://www.militaryhistoryonline.com/hundredyearsw... http://www.nytimes.com/2009/10/25/world/europe/25a... http://www.nytimes.com/2009/10/25/world/europe/25a... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://id.loc.gov/authorities/subjects/sh85002200